Thành thạo công nghệ, ngoại ngữ và nhiều kỹ năng mới mà nhà tuyển dụng yêu cầu đang trở thành nỗi ‘ám ảnh’ với nhiều người lao động ở độ tuổi U.40.
Áp lực cạnh tranh trong thị trường lao động hiện đại ngày càng tăng cao, đặc biệt là đối với những người trong độ tuổi U.40 (tức từ 30 đến dưới 40 tuổi). Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, yêu cầu về kỹ năng ngày càng cao, khiến nhiều người trong độ tuổi này lo lắng và vất vả trước nguy cơ mất việc. Các nhà tuyển dụng ngày nay đòi hỏi sự thành thạo trong công nghệ, ngoại ngữ và khả năng thích nghi với môi trường làm việc đầy sáng tạo, tạo ra áp lực lớn hơn cho người lao động.
Stress vì thấy mình yếu kém
Chị Trần Thị Thái Mỹ, 39 tuổi, cư ngụ tại Quận 12, TP.HCM, đã không có việc làm trong 6 tháng qua. Trước kia, chị Mỹ đảm nhận công tác hỗ trợ quản lý lớp học tại một trường mầm non. Do sự phát triển không ngừng của xã hội, ngôi trường đã từng bước cập nhật, cải thiện cơ sở vật chất và phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học. Đối mặt với những thay đổi này ở tuổi U.40, chị Mỹ cảm thấy khó khăn để bắt kịp, trong khi phụ huynh lại có xu hướng chọn lớp học có giáo viên trẻ tuổi hơn.
“Trong giai đoạn đó, tôi cảm thấy mình thật sự kém cỏi. Đôi khi, tôi phải thức thâu đêm để học cách làm slide bài giảng, đứng trước gương luyện tập cho buổi dự giờ vào ngày hôm sau. Khi đứng lớp, sự lúng túng trong việc sử dụng công nghệ cũng khiến tôi cảm thấy xấu hổ trước học sinh và đồng nghiệp,” chị Mỹ chia sẻ.
Chị Mỹ cũng bày tỏ, đối với những người lao động lớn tuổi, việc tìm kiếm một công việc phù hợp và tốt là điều không hề dễ dàng. Hầu hết họ đều đã có gia đình và cần một nguồn thu nhập ổn định. Nếu mức lương quá thấp, họ sẽ phải vất vả làm việc ở nhiều nơi để kiếm sống.
Chị Ái Minh, 35 tuổi, sống tại TP.Thủ Đức, TP.HCM và làm việc tự do, cũng chia sẻ cảm xúc tương tự: “Thế hệ trẻ ngày nay rất giỏi, thành thạo ngoại ngữ, công nghệ và có vẻ ngoài trẻ trung… Chúng tôi cũng nỗ lực học hỏi, rèn luyện thêm kỹ năng để theo kịp xu hướng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công ty chỉ tuyển dụng nhân viên trong độ tuổi từ 18 đến 35, và đôi khi đến 40. Vậy những người lớn tuổi hơn sẽ phải làm sao? Trong khi họ vẫn chưa đến tuổi nghỉ hưu.”
Chị Minh cũng lo lắng rằng, vài năm nữa khi bản thân già đi, liệu chị có thể giữ được lượng khách hàng và nguồn thu nhập như hiện tại hay không. Chị tự hỏi liệu các nhà tuyển dụng có kỳ thị đối với người lao động lớn tuổi hay không…
Gỡ khó cho người lao động ở độ tuổi U.40
Nhiều chuyên gia nhân sự nhấn mạnh rằng các công ty cần phải đưa ra giải pháp cụ thể để hỗ trợ người lao động ở độ tuổi U.40.
Ông Nguyễn Phạm Thành Danh, quản lý nhân sự của Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Thép Khương Mai, chia sẻ rằng công ty không phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác, mà ưu tiên những cá nhân có khả năng và ý chí phấn đấu.
“Trong quá trình tuyển dụng, chúng tôi không coi trọng tuổi tác mà tập trung vào năng lực của người lao động. Công ty của chúng tôi có nhân viên U.40 tuổi, họ thành thạo sử dụng các công cụ như Word, Excel và luôn có thái độ học hỏi tích cực,” ông Danh nói.
Ông Danh cũng nhấn mạnh rằng, sau đại dịch Covid-19, nhiều người lao động đã mất việc làm, do đó các công ty cần phải tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định hơn.
Anh Phạm Lý Huỳnh, chuyên viên nhân sự tại Công ty TNHH Bảo vệ Dịch vụ Trường Thành Đại Nam Security, cũng bày tỏ rằng người lao động U.40 thường gặp khó khăn trong môi trường làm việc đòi hỏi sự năng động và sáng tạo.
“Rất nhiều người ở độ tuổi U.40 muốn có một công việc ổn định, nhưng nhiều công ty hiện nay lại đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo không ngừng. Điều này tạo ra áp lực không nhỏ cho họ,” anh Huỳnh nói.
Anh Huỳnh nhấn mạnh rằng điều quan trọng là người lao động U.40 cần phải vượt qua những rào cản tâm lý và sẵn lòng học hỏi kỹ năng mới. Ông cũng đề xuất rằng các công ty và doanh nghiệp nên tổ chức các khóa đào tạo về công nghệ cho người lao động.
Discussion about this post