Bận rộn với việc chăm sóc con cái, sự nghiệp hay mệt mỏi sau ngày dài làm việc, nhiều cặp vợ chồng xứ củ sâm đã lâu không quan hệ tình dục, thậm chí ngủ riêng.
Từ khi con gái chào đời sáu năm trước, bé đã trở thành tâm điểm của thế giới đối với Park Eun-jeong. Điều này cũng đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc hôn nhân của cô: một mối quan hệ không dựa trên tình dục, mà là sự đồng hành cùng chồng.
“Kể từ khi con gái ra đời, chúng tôi từ từ chuyển sang mối quan hệ không tình dục. Tôi cảm thấy mệt mỏi với việc chăm sóc con và công việc nhà. Chồng tôi cũng trở nên kiệt sức sau khi đi làm về. Anh ấy không còn là người khởi xướng nữa,” Park, 43 tuổi, sống ở Seoul, chia sẻ.
Dù con gái đã lên sáu, nhưng họ vẫn duy trì cách sắp xếp giấc ngủ như ban đầu: con gái ngủ cùng mẹ, còn bố ngủ ở phòng khác để không làm gián đoạn giấc ngủ của họ do anh thường về nhà muộn và thức dậy sớm.
Park không hoàn toàn hài lòng với tình trạng hiện tại, nhưng cô không coi đó là vấn đề lớn. Sự thiếu hụt gần gũi tình dục với chồng không phải là lý do đủ mạnh để cô phá vỡ gia đình, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con gái.
“Làm thế nào tôi có thể tách con gái ra khỏi bố của bé chỉ vì tình cảm giữa chúng tôi đã phai nhạt và chúng tôi không còn quan hệ tình dục nữa?” cô tự hỏi.
The Korea Herald không thể phỏng vấn chồng của Park, nhưng nếu anh ta và vợ có cùng quan điểm, họ có thể được xem là “cặp đôi không tình dục”, theo định nghĩa của bác sĩ tâm thần Teruo Abe từ Nhật Bản. Khái niệm này được ông đưa ra lần đầu vào năm 1991, mô tả “những cặp vợ chồng đã kết hôn không quan hệ tình dục trong một tháng hoặc lâu hơn do thỏa thuận chung”.
Thông tin về các cặp đôi kết hôn không tình dục là rất hiếm, đặc biệt tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng hôn nhân không tình dục như trường hợp của Park không phải là hiếm gặp ở quốc gia này.
Một cuộc khảo sát năm 2016 với 1.090 người Hàn Quốc do phòng khám tình dục duy nhất tại quốc gia này, S Clinic ở Seoul do bác sĩ Kang Dong-woo điều hành, cho thấy 35,1% số cặp vợ chồng không quan hệ tình dục. Theo nghiên cứu này, Hàn Quốc có tỷ lệ hôn nhân không tình dục cao thứ hai trong số các quốc gia được khảo sát, chỉ sau Nhật Bản với 44,6%, trong khi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 20%.
“Quá mệt” để quan hệ tình dục
Nhiều chuyên gia Hàn Quốc tán thành với kết quả nghiên cứu của bác sĩ Kang vào năm 2016, cho thấy tỷ lệ hôn nhân không tình dục ở Hàn Quốc cao hơn so với các quốc gia khác.
Bae Jeong-weon, người đứng đầu Trung tâm Văn hóa Tình dục vui vẻ ở Seoul, cung cấp dịch vụ tư vấn và giáo dục về tình dục, giải thích rằng nhiều người Hàn Quốc quá mệt mỏi để quan hệ tình dục.
“Người Hàn Quốc sống cuộc sống bận rộn, tiêu hết năng lượng vào công việc và các vai trò xã hội. Giờ làm việc kéo dài, áp lực cạnh tranh và các buổi tiệc sau giờ làm khiến họ kiệt sức. Đến khi về nhà, họ không còn sức lực để chăm sóc các mối quan hệ cá nhân,” Bae, cựu chủ tịch Hiệp hội Sức khỏe Tình dục Hàn Quốc, nói.
Bà cũng nhấn mạnh rằng do ít quan tâm đến tầm quan trọng của mối quan hệ cá nhân, nhiều người không nhận thức được niềm vui mà các mối quan hệ này mang lại.
“Bận rộn với công việc, mọi người chỉ muốn ngã vào giường và dùng điện thoại. Họ tìm kiếm niềm vui qua các nội dung giải trí và nhận được một lượng dopamine nhỏ từ việc này,” bà chia sẻ.
Kim Jung-min, 46 tuổi, sống tại Seoul, chia sẻ rằng anh hoàn toàn đồng tình với tình trạng này. Anh thậm chí không thể nhớ lần cuối cùng mình gần gũi với vợ là khi nào.
“Mỗi tối, tôi thường chìm vào giấc ngủ trong khi đang chơi game trên điện thoại hoặc đọc truyện tranh trực tuyến. Vợ tôi thì lướt Instagram hoặc các diễn đàn dành cho các bà mẹ,” Kim nói.
Dù ngủ chung giường, cả hai lại quay lưng vào nhau. Anh giải thích rằng điều này không phải là dấu hiệu của bất kỳ căng thẳng nào trong mối quan hệ, mà chỉ là cách cả hai tự nhiên chọn để không làm phiền người kia bởi ánh sáng từ màn hình điện thoại.
“Đôi khi tôi nghĩ rằng chúng tôi nên cố gắng kết nối lại về mặt tình dục, nhưng khi nghĩ đến những cuộc họp sớm và công việc đang chất đống, tôi lại cảm thấy quá mệt mỏi,” anh chia sẻ.
Nhận thức về hôn nhân
Giáo sư Lim Choon-hee từ Khoa Nghiên cứu Trẻ em và Gia đình tại Đại học Quốc gia Kunsan đã giải thích về tỷ lệ hôn nhân không tình dục cao ở Hàn Quốc, chỉ ra sự khác biệt trong quan điểm về hôn nhân giữa các nền văn hóa.
“Ở phương Tây hiện đại, hôn nhân thường được xem là sự kết hợp giữa hai cá nhân, độc lập với gia đình gốc của họ. Trong những xã hội này, mối quan hệ tình dục và kết nối tình cảm giữa cặp đôi là chìa khóa cho sự ổn định và hạnh phúc trong hôn nhân,” Lim viết trong bài báo “Nghiên cứu về trải nghiệm không tình dục của phụ nữ đã kết hôn ở độ tuổi 30 và 40”, cùng với đồng tác giả Shin Min-jeong vào năm 2021.
Tuy nhiên, Lim cũng nhấn mạnh sự khác biệt ở Hàn Quốc, nơi hôn nhân hiện đại được xem là sự kết hợp giữa các gia đình hơn là giữa các cá nhân, với sự coi trọng giá trị vật chất hơn là tình yêu hay tình cảm.
Bà cho rằng, điều này giải thích vì sao ảnh hưởng của gia đình gốc vẫn mạnh mẽ ngay cả khi người ta bắt đầu một gia đình mới, và xu hướng các cặp đôi đặt lợi ích của con cái hoặc gia đình mình xây dựng lên trên hạnh phúc cá nhân trong mối quan hệ của họ.
Han Seong-yeul, giáo sư danh dự môn tâm lý học tại Đại học Korea, phân tích: “Ở phương Tây, cặp đôi là nền tảng của hôn nhân. Văn hóa nơi đây thường xác nhận rằng hai người bị thu hút về mặt tình dục thông qua việc thể hiện tình yêu công khai, như hôn nhau nơi công cộng.” Ông cũng nhấn mạnh rằng phòng ngủ của họ là “không gian riêng tư”, và thậm chí trẻ em cũng thường ngủ riêng.
Theo ông Han, trong vài trăm năm qua ở Hàn Quốc, cấu trúc gia đình vẫn dựa trên chế độ gia trưởng xoay quanh người cha và con trai – những người đảm nhận vai trò kinh tế chính của gia đình.
Trong thời kỳ Joseon (1392-1910), hôn nhân được xem là nhu cầu kinh tế – xã hội của gia đình. Thường thì chồng và vợ sống trong các không gian riêng biệt: chồng ở ‘sarangbang’ và vợ ở ‘anbang’. Ông Han giải thích rằng họ chỉ ngủ chung vào những ngày tốt đã được chọn lựa trước để thụ thai con trai.
“Ở Hàn Quốc, mục tiêu chính của quan hệ vợ chồng là sinh sản,” ông nói. Cha mẹ không được phép biểu hiện tình yêu hay dục vọng trước mặt con cái.
Tình dục có quan trọng?
Theo luật sư Yang So-young, với 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ly hôn, có tới 80-90% khách hàng của cô là những cặp vợ chồng không có đời sống tình dục. 10% còn lại là do một trong hai người có nhu cầu tình dục cao hơn đáng kể, gây ra căng thẳng trong mối quan hệ.
“Tuy nhiên, trong suốt 24 năm hành nghề, tôi chưa từng thấy khách hàng nào thẳng thắn đưa ra lý do chính dẫn đến ly hôn là do thiếu sex. Điều này có thể là nguyên nhân tiềm ẩn, nhưng hiếm ai thừa nhận, có lẽ vì việc nói ra điều đó có thể khiến họ cảm thấy xấu hổ hoặc bị đánh giá là đang hành động theo bản năng thấp kém,” Yang chia sẻ.
Cô cũng cho biết thêm, các cặp đôi Hàn Quốc rất ít khi thảo luận một cách cởi mở về vấn đề tình dục. Họ thường tập trung vào các chủ đề như tài chính, việc nuôi dạy con cái hay mối quan hệ với gia đình hai bên, nhưng lại né tránh chuyện tình dục. Ngay cả khi vấn đề này phát sinh, nhiều cặp vợ chồng cũng không chủ động tìm cách giải quyết.
Nhiều chuyên gia đồng tình rằng một mối quan hệ hôn nhân lành mạnh, có sự trao đổi thẳng thắn về tình dục, có thể giúp tăng cường sự gắn kết và giải quyết các vấn đề khác trong hôn nhân. Tuy nhiên, giáo sư Lim cảnh báo rằng không nên đưa ra những nhận định chung về tình trạng của một cuộc hôn nhân chỉ dựa trên đời sống tình dục của cặp đôi.
Hiện nay, trong các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, tình trạng không quan hệ tình dục giữa các cặp vợ chồng thường được xem như dấu hiệu của những xung đột tiềm tàng hoặc một cuộc hôn nhân không ổn định. Tuy nhiên, giáo sư Lim lại cho rằng việc không quan hệ tình dục đôi khi có thể là cách mà một số cặp đôi lựa chọn để duy trì hòa bình trong mối quan hệ. “Trong một số trường hợp, việc không có đời sống tình dục có thể giúp các cặp vợ chồng chung sống với nhau một cách yên ổn mà không gặp phải mâu thuẫn nghiêm trọng,” bà nhận định.
Discussion about this post